Pha xong cốc cà phê, Onelio Mencho Aguilar bước vào lớp A-305, Học viện Trung học quốc tế Williams (bang Viginia, Mỹ). Trên bảng còn sót lại những câu hỏi của tiết học trước, học sinh hỏi Aguilar: "Thưa thầy, câu chuyện hư cấu nghĩa là gì? Có phải điều gì đó xảy ra nhưng rất khó tin đúng không?".
"Đúng vậy. Cuộc đời thầy cũng rất giống câu chuyện hư cấu", Aguilar trả lời.
Aguilar sinh ra tại thị trấn nhỏ Aldea Monrovia ở Guatemala. Cuộc sống của cậu bé Aguilar diễn ra êm đềm cho đến khi lên 5, bố bỏ đi và mẹ em phải chuyển cả ba con đến một thị trấn khác. "Khi đó, cuộc sống thật sự khó khăn. Mẹ đã cố gắng làm việc mọi lúc và một mình nuôi chúng tôi. Tôi vừa đi học, vừa chăm sóc các anh chị em của mình nhưng mọi việc trở nên tồi tệ hơn", Aguilar kể.
Thời điểm kinh tế gia đình trở nên quá khó khăn, cậu bé Aguilar quyết tâm đến Mỹ để làm việc và kiếm tiền. Học xong lớp 6, Aguilar bỏ học, bắt đầu làm việc trên những cánh đồng ngô để kiếm tiền cho hành trình dài. Một năm sau, em tiết kiệm được 800 quetzals, khoảng 100 USD. Dù không chắc chắn, Aguilar nghĩ số tiền này đủ để trả vé xe bus và đi qua biên giới Mỹ - Mexico.
Aguilar tạm biệt mẹ và các em, tổ chức sinh nhật lần thứ 13 trước bốn tháng và lên đường. "Đó là một hành trình điên rồ", em nhớ lại.
Cậu bé Aguilar khi đó đi bộ, đi xe bus hoặc đi nhờ người lạ, bất kỳ cách nào có thể giúp em tiết kiệm chi phí. Nhiều lần, em phải nhặt đồ ăn thừa và ngủ ngoài nghĩa trang để có sức tiếp tục hành trình. Mất một tháng, Aguilar đặt chân đến đất Mỹ.
Aguilar chọn Los Angeles là nơi dừng chân đầu tiên và xin làm việc trong các nhà xưởng ngành xây dựng cho đến khi bị sa thải vì ông chủ biết tuổi thật của em. Bị mắc kẹt ở bờ Tây, Aguilar tìm sự trợ giúp của bố nhưng bị từ chối. Cuối cùng, em tìm đường đến Virginia và xin học tại trường trung học Williams, nơi Aguilar được dạy tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và nuôi dưỡng ước mơ trở thành thầy giáo.
Tại Williams, Aguilar tránh nói về cuộc sống cá nhân và những điều mình đã trải qua trước đó. Gordon, một trong những giáo viên tiếng Anh của Aguilar, nhận ra em có nhiều bí mật nhưng không gặng hỏi cụ thể. Cô giáo nghĩ Aguilar gặp khó khăn về kinh tế nhưng luôn muốn vượt lên hoàn cảnh và trở thành người tốt.
Do lo lắng về thức ăn và tiền thuê nhà, Aguilar đi làm, chểnh mảng học tập và không hoàn thành bài tập về nhà. Khi cô Guadalupr Silva, giáo viên tư vấn của trường, đến gặp và nói chuyện, Aguilar mới kể hết câu chuyện của mình.
Khi biết sự thật, Aguilar đã được các giáo viên và trường học hỗ trợ chỗ ở, học phí, một người giám hộ hợp pháp để yên tâm học trung học. "Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi cảm thấy thật sự được yêu thương vì những gì mình được nhận", Aguilar nói.
Sau 3 năm, Aguilar tốt nghiệp Williams với điểm trung bình 3,6 và được cấp thẻ xanh, sau đó giành được một suất tại Đại học Marymount.
Năm 2011, Học viện Trung học quốc tế Williams mở cơ sở tại Alexandria, phục vụ khoảng 660 học sinh. Aguilar về trường công tác, dạy môn tiếng Anh. Lúc đầu, anh định làm ở đây đến khi trường ổn định tổ chức, sau đó tìm một công việc liên quan đến ngành luật, vốn là lĩnh vực yêu thích của Aguilar.
Tuy nhiên, Aguilar nhận ra những học sinh này rất giống anh trước kia, đều là những người nhập cư, vừa đi học vừa vật lộn mưu sinh và không thông thạo tiếng Anh. Aguilar muốn nói chuyện và giúp đỡ những học sinh này, giống như các thầy cô tại Williams từng giúp anh. Aguilar từ bỏ ý định trở thành luật sư, quyết định gắn bó với ngôi trường cấp ba cũ.
Aguilar hiện dạy tiếng Anh cho học sinh quốc tế và nhập cư tại Học viện quốc tế, nơi phục vụ riêng cho học sinh đến từ các quốc gia khác chưa thạo ngôn ngữ này. Cựu chiến binh Patricia Gordon, giáo viên tại Williams từng dạy tiếng Anh cho Aguilar, nói: "Aguilar có thể nói chuyện với những học sinh di cư vì chính cậu ấy cũng từng như vậy".
Aguilar thường ở lại sau giờ học để dạy thêm kiến thức, kỹ năng mềm cho học sinh. Tại trường, Aguilar đóng vai trò vừa là giáo viên, vừa là bạn, người phiên dịch giúp học sinh hiểu những gì đang diễn ra. "Bởi vì tôi từng giống các em nên tôi biết làm như nào để giúp đỡ và khiến các em tự tin hơn", anh nói.
Học sinh cũng nhận xét Aguilar là thầy giáo đáng tin tưởng và có sự đồng cảm với học trò.
"Ở lại Williams là một trong những quyết định đúng đắn nhất cuộc đời tôi. Tôi hạnh phúc với nơi này, với lựa chọn của mình và nhất định trở thành một thầy giáo tốt", Aguilar nói.
Thanh Hằng (Theo Washington Post)
Nguồn tin: https://vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc